Văn hóa đó ngày càng lan tỏa và có sức thuyết phục từ những quý thầy luôn nghĩ tới người dân, tới Phật tử như tôi đã kể. Điều đó có nghĩa là chừng nào văn hóa lục hòa, nhân ái, khiêm cung còn được chư Tăng Ni Việt Nam duy trì và phát triển, chừng đó hơi ấm yêu thương, nhân văn sẽ còn lan rộng trong khoảng 20 triệu Phật tử Việt Nam và hàng triệu người Việt quý mến đạo Phật. Và đó chính là tiền đề quan trọng để Phật giáo Việt Nam hội nhập và phát triển trong dòng chảy hơn 2000 năm với 35 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7/11/1981 - 7/11/2016)./.
Tôi may mắn có nhiều cơ hội tiếp xúc với các bậc Giáo phẩm cấp cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là chư tôn đức lãnh đạo Ban Văn hóa trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. May mắn không phải chỉ vì chức phẩm của quý thầy, mà may mắn là tôi đã được chứng kiến ứng xử đời thường của các thầy. Tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh Hòa thượng Thích Trung Hậu - Trưởng ban Văn hóa trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam - chu đáo bỏ từng chiếc bánh vào túi cho đoàn mang theo ăn dọc đường, nhưng không quên để riêng một đĩa phần cho các Phật tử đang phục vụ việc chùa. Và cả chiếc áo cà sa đã thủng một lỗ mà Hòa thượng chỉ cho vá lại chứ không cho cúng dường y mới. Tôi cũng khó mà quên hình ảnh Hòa thượng Thích Hải Ấn - Phó trưởng Ban thường trực Ban Văn hóa - bước thoăn thoắt trên con đường gồ ghề, khúc khuỷu để leo lên đỉnh núi Chóp Chài, Phú Yên mà vẫn tươi cười, trong khi đám hậu sinh chúng tôi thở không ra hơi vì mệt. Hay hình ảnh Thượng tọa Thích Thọ Lạc - Phó trưởng ban thường trực Ban Văn hóa - kiên nhẫn ngồi chờ các thanh niên Phật tử đang dở dang Phật sự bên mâm cơm đã nguội ngắt. Hoặc Thượng tọa Thích Nhuận Tâm gầy gò đứng trên bục giảng nói chuyện bài học làm người một cách dí dỏm cho các học viên (đa số là sinh viên) đang theo học một trong nhiều lớp học ngoại ngữ miễn phí do thầy tổ chức ở chùa. Còn nhiều lắm những hình ảnh như vậy, ở tất cả các ban ngành viện của Phật giáo, tất cả các Hệ phái Phật giáo Việt Nam. Và tôi gọi đó là VĂN HÓA PHẬT GIÁO.
Có thể các bạn sẽ hỏi tôi: Vậy thì văn hóa Phật giáo Việt Nam là gì? Phải chăng bản chất của Phật giáo Việt Nam là thầy phải giản dị, xa rời nhân thế, chùa phải đơn sơ và nhỏ bé? Và văn hoá Phật giáo Việt Nam phải gói gọn trong không gian nhỏ hẹp đó? Nếu hiểu như vậy thì có phần khiên cưỡng. Dân gian có câu: "Chùa là bùa làng". Với một làng, một phường, một khu đô thị giờ lên đến hàng vạn người, một "lá bùa" nhỏ với một sư hai vãi liệu có đáp ứng nổi nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của người dân? Nghĩa là chùa Việt Nam cần phải xây to hơn, sư Việt Nam cần được cập nhật diễn tiến cuộc sống. Nhưng quan trọng là làm sao để cái mới không làm khuất lấp truyền thống, và dù giàu hay nghèo, dù Hệ phái này hay Hệ phái kia thì nhìn vào người ta vẫn phải nhận ra chùa Việt, sư Việt, nghi thức Việt, đối liễn Việt và kinh tụng được Việt hóa. Đó là một công việc quan trọng mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang nỗ lực làm, và bước đầu đã có những thành công nhất định. Trong những thành tựu đó đang có phần đóng góp không nhỏ của Ban Văn hóa trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Sự thống nhất trong đa dạng sẽ hình thành nên một bản sắc văn hoá Phật giáo Việt Nam thời hiện đại. Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ còn phải mất nhiều thời gian và công sức để đi đến sự thống nhất trong đa dạng, rồi đưa sự thống nhất đó vào cuộc sống.
Nhưng nếu tạm gác sang một bên những điều to tát đó, thì văn hóa Phật giáo Việt Nam thời hiện đại sẽ là gì? Trong một cuộc nói chuyện, Đại đức Thích Tâm Hải - phó trưởng Ban Văn hóa trung ương - đã chia sẻ: Phật không ở trong chùa mà Phật ở trong tâm, càng nhiều tình yêu thương giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên thì Phật càng hiển hiện. Và như thế, tinh thần nhập thế, sống lục hòa của Phật giáo hòa quyện với truyền thống "thương người như thể thương thân" của người Việt trở thành một nét văn hoá của Phật giáo. Văn hóa đó ngày càng lan tỏa và có sức thuyết phục từ những quý thầy luôn nghĩ tới người dân, tới Phật tử như tôi đã kể. Điều đó có nghĩa là chừng nào văn hóa lục hòa, nhân ái, khiêm cung còn được chư Tăng Ni Việt Nam duy trì và phát triển, chừng đó hơi ấm yêu thương, nhân văn sẽ còn lan rộng trong khoảng 20 triệu Phật tử Việt Nam và hàng triệu người Việt quý mến đạo Phật. Và đó chính là tiền đề quan trọng để Phật giáo Việt Nam hội nhập và phát triển trong dòng chảy hơn 2000 năm với 35 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7/11/1981 - 7/11/2016)./.
Thu Thùy - Văn hóa Phật giáo Việt Nam
văn hóa, ngày càng, thuyết phục, phật tử, có nghĩa, nhân ái, tăng ni, duy trì, phát triển, nhân văn, tiền đề, quan trọng, phật giáo, thành lập, giáo hội
Ý kiến bạn đọc