Slide1 Slide2


Phật Pháp Cho Những Người Làm Mẹ

Đăng lúc: Thứ bảy - 17/08/2019 01:54 - Người đăng bài viết: bode
Trong Phật giáo, hình ảnh người mẹ luôn luôn được đề cập trước tiên khi nói về hai đấng sinh thành. Bởi điều đó luôn đi cùng với chức năng khó nhọc của người mẹ. Thiên chức cao quý đó là nhờ tình thương và sự hy sinh dành cho con mà không có tình thương và sự hy sinh nào lớn hơn được.
PHẬT PHÁP CHO NHỮNG NGƯỜI LÀM MẸ

Trong Phật giáo, hình ảnh người mẹ luôn luôn được đề cập trước tiên khi nói về ha
i đấng sinh thành. Bởi điều đó luôn đi cùng với chức năng khó nhọc của người mẹ. Thiên chức cao quý đó là nhờ tình thương và sự hy sinh dành cho con mà không có tình thương và sự hy sinh nào lớn hơn được.

Đức Phật đã khẳng định vị trí duy nhất này của người mẹ, không ai sánh bằng, bởi Ngài thấu rõ những mối liên hệ của con người. Một bài kinh kể rằng, một hôm, có một thiên nhân đến gặp Đức Phật và hỏi: “Ai là người bạn tốt nhất trong gia đình?” Đức Phật trả lời không chút do dự: “Đó chính là người mẹ” (“mata mittam sake ghare”, Tương ưng chư thiên, phẩm Già, S.i.37). Tuyên bố này tóm lược toàn bộ triết lý đằng sau vấn đề đã nêu.
 
Một số kinh luận khác cũng đề cập đến mẹ như là một người bạn tốt nhất trong số những người bạn tốt, người thân yêu nhất trong số những người thân yêu, hay trên hết là người đáng kính nhất trong những người đáng kính (Pháp cú 43; Kinh tập 296…). Nếu không có sự bảo bọc và che chở của người mẹ, cuộc sống của con cái có thể phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, bởi không ai có thể làm tốt điều đó bằng mẹ. Biết rõ như thế, Đức Phật đã sử dụng một tỷ dụ nổi tiếng trong bài kinh Từ Bi (Metta Sutta): Giống như một bà mẹ bảo vệ đứa con thơ duy nhất của mình dù có phải đối diện với hiểm nguy (Kinh Tập 149).

Không thể phủ nhận những mặt tích cực và đáng quý kính của người mẹ như vẫn thường được trông đợi; nhưng khi một người mẹ buông bỏ bổn phận của mình, dù hữu ý hay vô tình, sẽ tổn hại đến cuộc sống thiếu may mắn của đứa con, bởi về phương diện này, không ai trên đời có thể thay thế bản chất tự nhiên của người mẹ. Buồn thay, mặt tối trong chức năng làm mẹ không còn hiếm trong xã hội ngày nay.

Theo quan điểm Phật giáo, một người mẹ tốt cần thiết phải là một người vợ tốt. Nếu người chồng không làm tròn bổn phận, thì người vợ thiếu đi sự giúp đỡ. Nhưng thông thường, một người vợ tốt và khéo léo sẽ kéo người chồng trở lại con đường chánh, trừ một vài trường hợp không thể thay đổi được.  

Một người mẹ thành công phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố trách nhiệm cùng chia sẻ của toàn bộ các thành viên trong gia đình như đã được Đức Phật giảng dạy trong bài kinh Thiện Sanh (Sīgāla Sutta, D.31), chứ không phải trách nhiệm ấy chỉ thuộc về người vợ hay người mẹ. Ở đây, Đức Phật dạy cho người mẹ (cũng như người cha) 5 điều đối với con cái: (1) Dạy con không làm điều ác, điều bất chính bằng cách giữ gìn giới pháp và thực hành các thiện pháp; (2) Dạy dỗ và hướng con đến với sự giáo dục và hướng nghiệp tốt, học hỏi những điều hay lẽ phải; (3) Thương yêu con hết mực; (4) Chọn hôn nhân thích hợp cho con; (5) Chu cấp và giao phó tài sản vào thời điểm thích hợp. Cùng với đó, Đức Phật cũng dạy 5 điều người vợ đối với người chồng: (1) Làm tốt nghĩa vụ của người vợ; (2) Tôn trọng và hòa nhã với bên gia đình chồng; (3) Trung thành với chồng; (4) Bảo vệ tài sản gia đình; (5) Khéo léo và siêng năng trong quản lý gia đình. Trên đây chỉ là những bổn phận căn bản mà từ đó có thể suy ra rất nhiều điều hơn thế nữa.  

Làm mẹ là tiến trình nuôi dưỡng một hạt giống cho đến lúc nảy mầm, lớn lên và trưởng thành. Đó là một quá trình từ khi mang thai cho đến lúc sinh con, nuôi con và dạy dỗ con cái. Phật giáo dạy cho người mẹ rằng, giáo dục con cái là một hành trình nghiêm ngặt, không chỉ đơn thuần là nuôi nấng, chăm bón cái ăn cái mặc, mà để làm được thiên chức ấy, người mẹ phải vun trồng và tưới tẩm hạt giống yêu thương trong tâm hồn mình. Tuy nhiên, yêu thương không có nghĩa là cưng chiều khiến cho con cái trở nên hư đốn, ngỗ nghịch, mà là dạy con đúng cách. Làm sao cho hạt giống ấy nở hoa từ lúc mang thai cho đến ngày trưởng thành. Làm sao cho hạt giống nở hoa tại nơi mà mình gieo xuống. Hạt giống đó bao gồm hạt giống của con và hạt giống của mẹ. Cho nên, làm mẹ là một tiến trình tu tập tâm linh hoàn hảo nhất.  

Học Phật Pháp không chỉ giúp chúng ta biết làm mẹ là một hành trình tâm linh mà còn nhắc chúng ta biết việc nuôi con là một hành trình tu tập nghiêm ngặt. Từ khi mang thai, sinh con, nuôi nấng, chăm sóc, dạy dỗ, thương yêu, nhẫn nhịn, chịu đựng những nỗi đau, nỗi khổ, và cả những bất hạnh… đều là một hành trình tu tập. Con như là một người thầy buộc người mẹ phải luôn sống trong giây phút hiện tại, từ bỏ những thú vui, tùy hứng, những khuấy động trong cuộc sống.

Khi bắt đầu làm mẹ cũng là lúc bắt đầu sự tu tập. Nó đòi hỏi người mẹ phải chú tâm hơn, chánh niệm hơn, tỉnh giác hơn đến mỗi khoảnh khắc, tức là mẹ đang bước vào con đường tu tập. Hai lộ trình này phát triển song song. Dù hai nhưng là một.

Theo Phật giáo, làm mẹ là khi con có mặt ở trong bào thai chứ không phải khi con đã chào đời. Lúc đó người mẹ đã biết lo lắng cho con, ăn uống thế nào, sinh hoạt làm sao để tốt cho con nhất. Từ cái ăn uống cho đến đi đứng nằm ngồi, nói năng, suy nghĩ, tất cả đều phải ý thức về đứa con đang hiện diện trong cơ thể. Thế nên, nhiều kinh điển Phật giáo thường khuyên răn người mẹ nên đọc tụng kinh điển, hoặc niệm nghìn câu danh hiệu Phật để đứa trẻ sinh ra được giảm trừ nghiệp chướng, an ổn, dễ nuôi, thọ mạng được tăng trưởng. Bản thân người mẹ cần phải hồn nhiên, chánh tín, giữ giới, tiếp nhận những điều tốt đẹp… để con sinh ra được thừa hưởng những phẩm chất tối thắng.

Ngoài tình thương dành cho con, người mẹ cũng phải thương yêu bản thân mình, bởi sức khỏe của mẹ cũng chính là sức khỏe của con và ngược lại. Ngoài sức khỏe thể chất là những mối quan tâm về ăn uống, sinh hoạt, thì sức khỏe tình thần của người mẹ là quan trọng nhất. Đó là lòng từ bi, yêu thương bản thân, đẩy lùi những thói quen tự hại bản thân. Tránh rơi vào những cái rãnh cáu gắt, bực bội, mất kiểm soát, mất kiên nhẫn. Kẻ thù đối với sức khỏe tinh thần của người mẹ là thói quen tự phê phán, chỉ trích, cay cú, gắt gỏng, tự dày vò bản thân. Thực tập lòng từ bi với chính mình sẽ đẩy lùi những thói quen này.

Đối với người mẹ, thiền là một chất liệu nuôi dưỡng tâm hồn không thể thiếu. Thực tập thiền để tâm hồn trở nên lắng đọng, chánh niệm, ý thức, và chú tâm hơn, thì theo đó sự chăm sóc và nuôi dạy con cái sẽ tốt hơn. Thiền sư Nhất Hạnh cho rằng, nếu chú tâm vào giây phút hiện tại, người mẹ sẽ có một sức cuốn hút mãnh liệt và đem lại sự bình an cho con. Làm mẹ với đầy đủ chất liệu của thiền khiến cho người mẹ luôn ý thức rõ ràng về con mình, chúng đang ở đâu, làm gì; sự phát triển tâm lý và hiểu biết của con ra sao; cũng như các mối quan hệ của con như thế nào, từ đó có những biện pháp và cách giáo dục thích hợp; mở rộng lòng yêu thương, rung cảm với con hơn; kiên định, mạnh mẽ, ý thức và định hướng rõ các giá trị sống cho con.

Đức Phật khuyên chúng ta hãy ý thức tỉnh giác những gì đang diễn ra, cái gì là quan trọng, đó chính là làm thế nào để tìm thấy hạnh phúc nội tại. Khởi đầu sự tu tập đòi hỏi ta phải chú tâm đến mỗi khoảnh khắc. Con cái gợi mở cho ta về sự bí ẩn trong cuộc sống của ta vì ta luôn thấy rằng chúng không phải là người như chúng ta thường nghĩ, và ta cũng không phải là người như chúng ta đã nghĩ. Điều đó nên hiểu rằng, học Phật Pháp là học cách quán sát, đo lường, luôn đặt ra những câu hỏi để tìm hiểu chúng, luôn mở tâm ra để thấu triệt, và con đường tu tập là quá trình tìm hiểu, chứ không phải để tự chứng minh sự hiểu biết của mình.

Một người mẹ hiểu giáo lý đạo Phật sẽ nhìn nhận cuộc sống theo đúng bản chất của nó là vô thường và không hoàn hảo, từ đó sẽ nỗ lực tinh tấn, tu dưỡng chánh kiến và thoát khỏi những ảo tưởng phù phiếm vật chất cũng như những tham vọng vượt khỏi nền tảng của đạo đức.

Khả năng nhận thức vấn đề một cách rõ ràng, giải quyết sự việc rốt ráo tận căn là yếu lý của đạo Phật, nói như Hòa thượng Thích Trí Quang, “Nếu con người bị bỏ rơi mà chỉ tùy trần tục ảnh theo những vấn đề phụ thuộc như kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa trước hết, thì con người đã chết, đã thoái hóa tự bao giờ trước khi những thứ ấy thành công” (Tâm ảnh lục). Thế nên, dạy con làm người trước khi là bác sĩ, kỹ sư là mối quan tâm hàng đầu của người mẹ và đạo Phật chính là “đạo cấp cứu con người, căn bản của xã hội mới”. Đó là những gì mà người mẹ có thể tìm thấy nơi giáo lý nhà Phật.

Bài đã đăng trên báo Vô Ưu số 66 
Tác giả bài viết: Thích Vạn Năng
Nguồn tin: bodetrongta.net
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Back to top