Có một bài kệ trong Kinh Tập (Sutta Nipata) nói rằng: “Với pháp tự của mình, Nói pháp này viên mãn, Chỉ trích pháp người khác, Là thấp kém hạ liệt, Do chấp thủ như vậy, Họ luận tranh đấu tranh, Mọi thế tục tự mình, Họ nói là chân thật.”(Sn.904) Đề cập đến bài kệ này là để thấy rằng, các thế lực ngoại đạo luôn rao giảng rằng giáo lí của họ là hay hơn cả, là cao nhất, là đúng nhất, dẫn đến việc luôn nói xấu các tôn giáo khác làm mục tiêu. Họ lấy mục tiêu chỉ trích các tôn giáo khác làm phương châm truyền đạo; lấy sự khen chê làm mục tiêu truyền đạo. Đó chính là tâm lí mà Đức Phật đã nói ở đây rằng, những ai khéo nói lời chân thật giữa những hạng người này ấy mới thật là chân lí, và đạo Phật là như vậy: không chê bai chỉ trích làm mục tiêu truyền bá, đem lại lợi lạc cho tất cả mọi người, không chỉ riêng cho tôn giáo mình hay với người Phật tử. Đó là điểm khác biệt giữa Phật giáo và các tôn giáo khác. Ngoài ra, cần tìm hiểu thêm những khác biệt chính yếu giữa Phật giáo và các tôn giáo khác như sau:
1. Trong Phật giáo, không có khái niệm “đấng toàn năng”. Không có đấng tối cao đầy quyền năng nào có quyền ban thưởng hay trừng phạt con người chúng ta trong ngày được gọi là “ngày phán xét”.
2. Phật giáo không phải là tôn giáo đặt niềm tin và cầu nguyện vào một đấng siêu nhiên.
3. Không có khái niệm cứu rỗi trong Phật giáo. Bởi vì, Đức Phật không phải là Đấng cứu thế. Mặc dù người Phật tử quy y vào Đức Phật, là người chỉ dẫn vô địch, có thể chỉ dẫn con đường đưa đến tịnh hóa, nhưng Ngài không biến họ thành những người nô lệ bị khuất phục. Người Phật tử không nghĩ rằng họ có thể đạt được tịnh hóa chỉ bằng cách quy y vào Đức Phật, hay chỉ đơn thuần tin vào Ngài. Đó không phải thuộc về quyền năng của Đức Phật có thể tẩy trừ tất cả nhiểm ô cho chúng sanh.
4. Phật không phải là hóa thân của một thần linh hay thượng đế. Mối quan hệ giữa Đức Phật và các đệ tử luôn là mối quan hệ thầy trò.
5. Giải thoát bản ngã là trách nhiệm riêng của mỗi người. Phật giáo không yêu cầu những người đệ tử của Phật phải có một niềm tin mù quáng vô điều kiện.
6. Quy y Tam Bảo là nương tựa Phật, Pháp và Tăng. Điều đó không có nghĩa là sự tự đầu hàng hay hoàn toàn quy phục vào một năng lực bên ngoài nào hay một bên thứ ba nào để cầu sự giúp đỡ hay cứu rỗi.
7. Pháp (Lời dạy của Phật) luôn hiện hữu dù Đức Phật có xuất hiện hay không xuất hiện. Đức Phật Thích Ca là một vị Phật lịch sử đã khám phá và chia sẻ lời dạy hay chân lý phổ quát ấy cho tất cả chúng sanh. Ngài không phải là đấng sáng tạo ra lời dạy ấy, cũng không phải là nhà tiên tri của thượng đế toàn năng đã truyền đạt lời dạy ấy đến người khác.
8. Đạo Phật nhấn mạnh rằng, đặc biệt trong Phật giáo đại thừa, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Chúng sanh có thể thành Phật (Đấng giác ngộ hoàn toàn) theo tiến trình phù hợp nếu chúng sanh chuyên tâm thực hành và đạt được sự tịnh hóa của tâm, tức là rốt ráo không còn vô minh và phiền não.
9. Trong Phật giáo, mục đích cuối cùng của người tu tập là giác ngộ và giải thoát khỏi luân hồi trong Tam giới, Lục đạo, chứ không phải là để được lên thiên đường (cõi trời).
10. Nghiệp và sức mạnh của Nghiệp là nền tảng trong các học thuyết Phật giáo. Học thuyết về Nghiệp được giải thích rất rộng rải trong Phật giáo. Nghiệp chỉ cho một khái niệm siêu hình quan trọng liên quan đến hành động và kết quả của nó. Luật Nghiệp giải thích các vấn đề của khổ, những bí ẩn của cái gọi là số mạng và định mệnh trong một số tôn giáo, và trên hết là những bất bình đẳng trong xã hội con người nói chung.
11. Tái sinh là học thuyết quan trọng khác trong đạo Phật và nó luôn đi cùng với Nghiệp. Có sự khác biệt rất vi tế giữa sự tái sinh và đầu thai như được giải thích trong Bà-la-môn giáo. Phật giáo phủ nhận lý thuyết về ngã thường hằng chuyển từ đời này sang đời khác, cũng không phải là nó được tạo ra bởi thượng đế hay phát sinh ra từ yếu tố thần linh nào đó.
12. Phật giáo có lòng thương yêu (từ bi) đối với tất cả chúng sanh, kể cả các loài động vật. Phật giáo nghiêm cấm hành vi tế lễ súc vật dưới bất kỳ lí do nào. Ăn chay luôn được khuyến khích, nhưng không phải bắt buộc.
13. Phật giáo đề cao tầm quan trọng của sự không tham đắm. Phật giáo vượt ra khỏi phạm vi thiện và làm thiện. Không được dính mắc vào việc thiện hay tư tưởng về làm thiện; bởi vì đó cũng chỉ là một hình thức khác của tham ái.
14. Phật giáo có mối quan tâm đến tất cả các loại chúng sanh, chứ không chỉ là quan tâm đến con người như các tôn giáo khác. Phật giáo cho biết sự hiện hữu của các loài chúng sanh khác trong các cảnh giới khác nhau trong Tam giới.
15. Không hề có khái niệm thánh chiến trong đạo Phật. Giết chóc cũng là hành vi vi phạm một giới điều quan trọng trong đạo Phật. Không có việc giết bất cứ người nào vì nhân danh tôn giáo của mình, một nhà lãnh đạo tôn giáo của mình, hay bất cứ lý do tôn giáo nào, hay là sự biện hộ theo ý nghĩa thế tục.
16. Khổ là vấn đề chủ chốt trong Phật giáo. Đó là chân lý thứ nhất trong Tứ Thánh Đế. Khổ được giải thích rất chi tiết và cặn kẽ trong Phật giáo.
17. Tư tưởng về tội hay tội tổ tông không có chỗ trong Phật giáo. Cũng vậy, tội không nên được đánh đồng với khổ.
18. Giáo lý Phật giáo tuyên bố không có điểm khởi đầu hay kết thúc đối với đời sống của một con người; không công nhận về một nguyên nhân đầu tiên, ví dụ như, loài người đầu tiên đã bắt đầu như thế nào?
19. Pháp cung cấp một giải thích rất chi tiết về học thuyết vô ngã, hay không có linh hồn, tức là không có một thực thể là ngã, dù trong một đời hay nhiều đời.
20. Đức Phật là bậc toàn tri, không phải là đấng toàn năng. Ngài có khả năng làm vô số sự việc, nhưng có 3 việc Ngài không thể làm. Ngài không tuyên bố Ngài là đấng tạo ra muôn loài hay toàn thể vũ trụ.
21. Trí tuệ Bát nhã (Panna/Prajna) chiếm một vị trí hết sức trọng yếu trong lời dạy của Phật. Đức Phật Thích Ca tuyên thuyết khái niệm này trong khoảng 20 năm giáo hóa của Ngài. Ngài dạy cần phải cân bằng giữa từ bi và trí tuệ, tức là cảm xúc (thuộc niềm tin) và lý trí (thuộc chánh trí, chân lý, chánh lý).
22. Truyền thống và thực hành thiền định trong Phật giáo tương đối quan trọng và mạnh mẽ. Trong khi tất cả các tôn giáo khác chỉ giảng dạy một số hình thức hay những biến thái của thiền chú tâm, Phật giáo nhấn mạnh về thiền quán/thiền tuệ/thiền minh sát như là sức mạnh giúp chúng ta đạt được sự giải thoát hay giác ngộ.
23. Học thuyết Tánh không là duy nhất trong Phật giáo mới có, cũng như nhiều phương diện khác của Tánh không đều được giải thích kỹ lưỡng trong những giáo lý Phật giáo cao hơn. Chính học thuyết này mới khẳng định được bản thể siêu việt của thực tại tuyệt đối. Học thuyết này tuyên bố thế giới hiện tượng là không của tất cả những giới hạn biên tế và cho rằng tất cả các khái niệm nhị nguyên đều bị đập bỏ.
24. Duyên sinh (Paticcasamuppada) hay Duyên khởi là một học thuyết quan trọng khác trong Phật giáo. Học thuyết này giải thích rằng tất cả những hiện tượng tâm lý và vật lý cấu thành sự hiện hữu của chúng sanh đều là tương quan tương duyên với nhau, và đồng thời giải thích những gì làm vướng bận chúng sanh trong tam giới.
25. Khái niệm về Địa ngục trong Phật giáo rất khác với các tôn giáo khác. Đó không phải là nơi đày đọa vĩnh viễn như các tôn giáo tin vào đấng quyền năng sáng tạo. Trong Phật giáo, đó chỉ là một nơi trong 6 cõi của Tam giới, là cảnh giới đau khổ nhất trong 3 cảnh khổ. Thực sự, có rất nhiều cảnh giới địa ngục theo vũ trụ luận Phật giáo, do vì có vô số thế giới của chư Phật.
26. Vũ trụ học Phật giáo khác biệt hơn hết với tất cả các tôn giáo khác, bởi vì các tôn giáo khác thường công nhận chỉ có trái đất thuộc hệ mặt trời này là trung tâm của vũ trụ và là hành tinh duy nhất có sự hiện diện của sanh vật. Quan điểm của Phật giáo về một thế giới của một Đức Phật, còn gọi là Tam thiên đại thiên thế giới, là thế giới của một tỷ các hệ mặt trời. Ngoài ra, các học thuyết của Phật giáo Đại thừa còn giải thích rằng có vô số thế giới của Phật trong hiện tại như thế giới Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà và hệ thống thế giới của Phật Dược Sư.
27. Tam giới là một khái niệm căn bản trong Phật giáo. Nó đơn giản chỉ là vòng hiện hữu vô tận của sự tái sanh bất tận trong 6 cõi luân hồi. Vòng luân hồi này sẽ chỉ kết thúc khi chúng sanh đạt đến Niết bàn, tức là diệt tận hoàn toàn tập nghiệp, nghiệp báo, vô minh và phiền não. Tất cả các tôn giáo khác chỉ giảng dạy có thiên đường, trái đất và địa ngục. Quan điểm này rất là hạn chế nếu so với tam giới của Phật giáo, nơi mà thiên đường đó chỉ là một trong 6 cõi luân hồi và nó có tới 28 cấp bậc cõi trời như thế. TVN. Theo Buddhanet.net
chỉ trích, thấp kém, như vậy, tranh đấu, thế tục, thế lực, ngoại đạo, nhất là, nói xấu, tôn giáo, mục tiêu, phương châm, truyền đạo, những ai, chê bai, truyền bá, tất cả, phật tử, khác biệt, phật giáo, ngoài ra
Ý kiến bạn đọc