Nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu, một chi tiết quan trọng mà ai cũng có thể thấy được khi đọc tụng Kinh Vu Lan; đó là khi bài Kinh nói về việc Đức Phật lạy đống xương khô.
Một hôm, Đức Phật cùng chúng Tăng trên đường đi khất thực ngang qua một đoạn đường có nhiều đống xương khô ở bên đường. Ngài bèn dừng lại rồi thành kính cúi lạy đống xương. Tình tiết này đã khiến cho cả đại chúng đều ngạc nhiên, mà càng thắc mắc hơn nữa là sau khi lạy xong, Ngài bảo A Nan hãy phân loại và sắp xếp đống xương lại cho thứ tự: đàn ông thì để theo đàn ông, đàn bà để theo đàn bà, để khỏi bị lẫn lộn. Điều đó đã làm cho Tăng chúng và A Nan bối rối vì không biết phải làm thế nào để phân loại đống xương như Ngài bảo. Đức Phật nhân đó giảng dạy như sau:
Phật mới bảo: A Nan nên biết
Xương nữ nam phân biệt rõ ràng
Ðàn ông xương trắng nặng hoằng
Ðàn bà xương nhẹ đen thâm dễ nhìn.
Ngươi có biết cớ sao đen nhẹ?
Bởi đàn bà sanh đẻ mà ra
Sanh con ba đấu huyết ra
Tám hộc, bốn đấu sữa hòa nuôi con!
Việc Đức Phật lạy đống xương là sự thật vì Ngài muốn quan tâm và nhắc nhỡ chúng ta đến sự khác nhau giữa xương của người đàn ông và xương của người đàn bà và để bày tỏ lòng tôn kính những người quá vãng mà Ngài nói là trong đó đều là ông bà cha mẹ chúng ta trong nhiều đời.
Đức Phật nói rằng, xương đàn bà thì đen và nhẹ; còn xương của đàn ông thì nặng và trắng. Sự khác biệt này là do quá trình sinh đẻ và nuôi nấng con cái của người mẹ. Trong quá trình mang thai và cho con bú, mật độ xương do đó bị giảm thiểu rất nhiều. Khi mang thai, các khoáng chất và tế bào xương sản xuất ra trong máu để cung cấp cho cơ thể của người mẹ phải truyền sang cho con để tăng trưởng. Quá trình này tạo ra sự mất cân bằng trong quá trình phát triển xương và giảm xương. Rồi sau khi sinh sản, người mẹ phải cho con bú. Sữa là canxi và khoáng chất, là yếu tố quan trọng cho xương của người mẹ, phải chia sẻ cho con tăng trưởng nhanh chóng. Quá trình này làm cho mật độ xương của người mẹ suy giảm. Tuy nhiên, điều đó cũng có thể được phục hồi lại sau thời gian sinh sản và cho con bú, nhưng mật độ xương vẫn bị suy giảm.
Như vậy, quá trình mang thai, canxi và khoáng chất mà chúng ta thấy trong Kinh Vu lan gọi là ‘máu huyết’ truyền sang cho con, rồi tiếp tục phải truyền sang khi cho con bú. Quá trình này làm cho người phụ nữ bị suy giảm về mặt máu huyết và khoáng chất trong xương khiến cho mật độ xương bị suy giảm. Đây là yếu tố dẫn đến xương của phụ nữ thường có trọng lượng nhẹ và thâm đen hơn xương nam giới. Đó là sự nhìn thấy trước của Đức Phật từ khi mà khoa học còn chưa phát triển.
Ngày nay, khi khoa học đã phát triển, việc thăm dò và tìm hiểu tính chất của xương là việc làm dễ dàng với những công cụ đo đạt y khoa gọi là chẩn đoán loãng xương. Người ta cũng cho biết rằng, khi con người trên 50 tuổi thì mật độ xương suy giảm rất lớn so với khi còn trẻ. Điều này xảy ra chủ yếu đối với người phụ nữ vì họ phải làm cái thiên chức làm mẹ. Ngoài ra thì người phụ nữ còn phải liên tục sản sinh ra các tế bào sinh sản gọi là buồng trứng từ khi trưởng thành mãi cho đến thời kỳ mãn kinh cũng là một quá trình làm suy giảm mật độ xương của họ. Ở độ tuổi này, nguy cơ loãng xương ở phụ nữ cao hơn nhiều so với nam giới.
Loãng xương hay mật độ xương suy giảm là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ gãy xương trong phụ nữ. Người phụ nữ thường bị gãy xương cổ chân, xương đùi hoặc xương sống khi bước vào chu kì này. Khi đã gãy chân một lần thì nguy cơ gãy chân lần thứ hai sẽ rất cao. Gãy xương cũng được biết đến là một trong những nguyên nhân xảy ra tử vong cao, và người ta còn cho biết là tương đương với bệnh ung thư vú và cổ tử cung.[1]
Thật ra, vấn đề loãng xương trong Phật giáo thường được chú ý đến rất nhiều. Đó không phải là việc phòng ngừa nguy cơ gãy xương hay là sống lâu trong đạo Phật, bởi vì dù có sống lâu cách mấy rồi thì cũng phải thuận theo quy luật sinh diệt mà thôi. Vấn đề là việc duy trì mật độ xương có liên quan đến vấn đề giải thoát trong đạo Phật. Nếu một người tu tập đạt được năng lực của định, sự định tĩnh trước hay gọi là khả năng nhẫn chịu một cách ‘tự tại’ trước mọi hoàn cảnh thì người đó có năng lực định và giải thoát rất cao. Khi có được các phẩm chất đó thì các bộ phận trong cơ thể sẽ trở nên rắn chắc. Xương vì thế cũng rắn chắc, bởi vì nó đã kết tinh từ tất cả những yếu tố từ tinh thần và vật chất, giữa tâm lí và vật lí. Sự kết tinh này sẽ tạo ra cái gọi là ‘xá lợi’ trong cơ thể, tức là xương sẽ kết thành những kết cấu vững chắc khó bị phá vỡ nên gọi là xá lợi. Tuy thế, xá lợi xương này cũng có nhiều cấp bậc khác nhau.
Nhân mùa Vu lan báo hiếu, để tưởng nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha và mẹ, của ông bà tổ tiên và để hiểu được nguyên nhân mà Phật lạy đống xương khô khi đọc tụng Kinh Vu lan, nhắc nhỡ chúng ta về chữ hiếu, về những khó khăn gian khổ và những thiệt thòi của người mẹ khi phải mang nặng đẻ đau, nuôi nấng dạy dỗ để rồi người mẹ phải chịu nhiều rũi ro khi về già là những yếu tố cần phải suy gẫm và đền đáp cho tương xứng.
TVN.
Ý kiến bạn đọc