Trong đạo Phật, Lễ Vu Lan có lẽ được phổ biến rộng rãi nhất. Phổ biến bởi vì nó không chỉ mang nhiều sắc thái văn chương, huyền bí, mà còn đượm nhuần sắc thái cầu nguyện, trong khi đó đạo Phật ít chú trọng đến sự cầu nguyện.
Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may lạnh buốt xương khô,
Não người thay buổi chiều thu,
Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng.
(Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh - Nguyễn Du).
Cứ đến tháng Bảy là trời đổ mưa không dứt. Những cơn mưa nặng hạt cứ tiếp nối nhau mãi không thôi. Mưa não nề tha thiết làm cho cảnh vật càng thêm da diết thê lương. Các loài muôn thú vì thế cũng không thể tìm kiếm được miếng ăn trong cái không gian lạnh ướt ấy, ẩn mình trong những tàng cây cổ thụ, trong hang hốc của núi rừng, cất lên những tiếng kêu bi thương để gọi nhau. Trong cái không gian và thời gian u tịch ấy, những oan hồn như đang chờ để trở về với thế giới dương gian, nơi mà những món nợ ân tình còn chưa trả hết. Họ tìm nhau qua những âm thanh của tiếng gọi hồn, ru hồn bằng những lời ca, câu kinh, tiếng kệ, những lời khấn nguyện trong màng đêm u tịch, hay những buổi chiều thu ảm đạm. Xa xa, tiếng ai thì thầm nghe như khóc than, ai oán…
Lễ Vu Lan
Trong đạo Phật, Lễ Vu Lan có lẽ được phổ biến rộng rãi nhất. Phổ biến bởi vì nó không chỉ mang nhiều sắc thái văn chương, huyền bí, mà còn đượm nhuần sắc thái cầu nguyện, trong khi đó đạo Phật ít chú trọng đến sự cầu nguyện.
Lễ Vu Lan[1] thường được diễn ra vào ngày Rằm tháng Bảy, còn gọi là Lễ hội Vu Lan hay Vu Lan Thắng hội. Ngoài ra, ngày này còn được gọi là ngày báo hiếu hay là ngày xá tội vong nhân. Tuy nhiên, do tính chất đa dạng của nó, cũng như sự không thống nhất về ngày kỷ niệm trong các chùa nên lễ Vu Lan thường được tổ chức vào các ngày khác nhau trong tháng Bảy mà chủ yếu là trước ngày Rằm.
Nguyên do về ngày lễ này có thể được truy tìm về nguồn gốc của nó khi Đức Phật còn tại thế. Đó là khi ngài Mục-kiền-liên, vị đệ tử lớn thần thông bậc nhất của Phật, đến cầu xin Đức Phật cứu vớt mẹ của người đang bị đọa đày trong chốn ngạ quỷ đói khát. Ngài Mục-kiền-liên là một người con chí hiếu, cũng như trong nhiều kiếp quá khứ ngài đã từng là những người con chí hiếu. Tương truyền, khi mới xuất gia, ngài đã phát thệ nguyện cứu độ mẹ ngài vì biết rằng mẹ của mình rất thiếu căn lành phước đức, không tin nhân quả, không kính tín Tam Bảo...
Đức Phật nhân đó giảng dạy Pháp cứu độ vong nhân cho ngài Mục-kiền-liên cũng như cho những ai muốn cứu độ thân nhân của mình (cha mẹ bảy đời, thân bằng quyến thuộc) là những người đã quá vãng đang bị chịu khổ trong những chốn Ác đạo (Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh), cũng như là cha mẹ hiện tiền cũng nhờ đó mà được lợi ích. Ngài dạy rằng, đến ngày Rằm tháng Bảy, sau khi chư Tăng mãn ba tháng An cư kiết hạ, hãy sắm sửa phẩm vật cúng dường với lòng thành kính, nhân đó chư Tăng sẽ vận lòng cầu nguyện cho ước nguyện của người dâng cúng được thành tựu.
Như chí muốn đền ơn cha mẹ
Hiện-tại cùng thất-thế tình thâm
Ðến rằm tháng bảy mỗi năm
Sau khi kiết-hạ chư Tăng tựu về
Chính ngày ấy Phật đà hoan-hỉ
Phải sắm sanh bá vị cơm canh
Ðựng trong bình-bát tinh-anh
Chờ giờ Tự-tứ chúng Tăng cúng-dường… (Kinh Vu Lan Bồn)
Vì sao như vậy? Vì sau ba tháng an cư kiết hạ, chư Tăng đã tinh tấn tu hành, huân tập được nhiều công đức, trí tuệ, phẩm hạnh được tăng trưởng, và chư Tăng làm lễ Tự tứ (ngày Tăng Tự tứ) để trình lên chư Phật, được chư Phật hoan hỷ, nên gọi là Hoan hỷ nhật (ngày Phật hoan hỷ); chư Tăng do đó cũng được tăng thêm một tuổi hạ nên gọi là ngày tăng trưởng Hạ lạp (tuổi hạ). Đây chính là ba yếu tố cấu thành nên ý nghĩa ngày lễ Vu Lan. Chính nhờ những công đức tu tập này mà chư Phật hoan hỷ. Ngoài ra, chính trong ngày ấy, chư Phật, Bồ tát, Thánh, Hiền Tăng, v.v… trong mười phương đều tụ hội về. Nên trong ngày ấy, những người phát tâm gieo trồng phước đức căn lành đã nhờ sức chú nguyện và hộ trì đó mà được toại nguyện.
Ngày Vu Lan Báo Hiếu
Nhân ngày lễ Vu Lan, những ai muốn đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục (nuôi nấng dạy dỗ) của cha mẹ cũng đều có thể thực hiện được. Phật dạy báo hiếu có nhiều cách, như làm tròn bổn phận của người con trong cuộc sống và quy hướng cha mẹ về với Tam Bảo, sống đời tu học để thoát khỏi sanh tử khổ đau.
Giả như với những ai chưa làm tròn bổn phận làm con khi cha mẹ còn sống thì cũng có thể đáp đền công ơn cha mẹ bằng cách sắm sửa lễ vật cúng dường ngày lễ Vu Lan để hồi hướng công đức cầu nguyện cho cha mẹ đã quá vãng, đồng thời bản thân phải sống đời đạo đức, biết tu tập, quy kính Tam Bảo, cứu giúp mọi người cũng là cách thức đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục.
Ngày Xá Tội Vong Nhân
Kinh Vu Lan Bồn nói rằng, vào ngày Rằm tháng Bảy sau lễ Tự tứ, không chỉ mẹ ngài Mục-kiền-liên được thoát khỏi chốn ngạ quỷ mà tất cả chúng sanh khác cũng được thoát khỏi chốn đói khát này. Đó là nhờ năng lực chú nguyện của Tăng.
Tuy đây là lễ hội mang màu sắc dân gian, tuy nhiên điển tích của nó lại xuất hiện trong kinh điển Phật giáo đó là, Phật Thuyết Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni với duyên khởi như sau: Một hôm ngài A Nan đang tịnh tu thì có một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) đến nói với ngài là trong ba ngày nữa ngài sẽ chết và hóa thành quỷ đói. Ngài Anan nhân đó đến bạch với Đức Phật, Phật truyền dạy bài chú này để đọc tụng trong lễ cúng thí sẽ được tiêu trừ ách nạn và tăng thêm phước lạc.
Đây là lễ hội diễn ra trong ngày Rằm tháng Bảy, còn gọi là tiết Trung Nguyên hay Quỷ tiết, nên gọi là tháng Cô hồn. Vì ngày Rằm tháng Bảy là ngày Xá tội vong nhân, nên cửa địa ngục được mở ra, tù nhân ở trong chốn địa ngục lâu năm nay được tự do về với dương thế. Nếu không cho chúng ăn uống thì chúng sẽ quấy phá khiến cho cuộc sống con người bị xáo trộn. Do đó, vào những ngày này mọi người thường làm lễ cúng thí (thí thực cô hồn) cho chúng quỷ thần và chúng cô hồn được no đủ nên còn gọi là tháng của những oan hồn phiêu bạt.
Tinh Thần Lễ Vu Lan
Cái chính trong tinh thần lễ Vu Lan là Tri ân và Báo ân, nghĩa là nhớ nghĩ về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ mà đền đáp. Ngoài ra, kinh Vu Lan còn đề cập đến bốn ân lớn cần phải đền đáp gọi là Tứ trọng ân. Đó là: ân Cha Mẹ, ân Tam bảo, ân đồng bào Tổ quốc, ân Chúng sinh vạn loại. Đức Phật dạy rằng, “Thân người khó được mà dễ mất. Khó được mà nay được là do công ơn sinh thành; dễ mất mà còn là nhờ công ơn nuôi dưỡng.” Thật sự, Đức Phật mới là người chí hiếu nhất. Ngài dạy, “Hiếu là Giới”; thế nên, “Tột cùng điều thiện không gì bằng hiếu đạo; tột cùng của điều ác không gì bằng bất hiếu.” Ngài nói rằng, Ngài ra đời là để làm năm việc: chuyển pháp luân, độ cha mẹ, đem đức tin cho người không có đức tin, ai chưa có chí nguyện Bồ tát thì làm cho có, và thọ ký làm Phật cho các vị Bồ tát. Thật vậy, Không có điều gì làm cho cha mẹ vui lòng nhất bằng lòng hiếu thảo, và cũng không có điều gì làm cha mẹ tự hào nhất bằng lòng hiếu thảo. Không có món ngon vật là nào có thể đáp ứng được cha mẹ bằng lòng hiếu thảo, mà dù cho cuộc sống có đơn sơ, có đạm bạc nhưng tràn đầy tình thương yêu hiếu thảo thì cha mẹ nào cũng thấy vui lòng. Chúng ta cũng từng thấy không ít gia đình khó khăn, vật chất thiếu thốn, mà cuộc sống đơn sơ của họ vẫn ấm áp tình người, rực sáng tình yêu thương, hạnh phúc, là nhờ ở lòng hiếu thảo và việc làm hiếu đễ của con cái dành trọn vẹn cho cha mẹ, ông bà.
TVN.
[1] Còn gọi là Vu Lan Bồn, dịch âm từ tiếng Phạn Ullambana, dịch nghĩa là ‘cứu đảo huyền’ (cứu cái khổ bị treo ngược). Chữ ‘Bồn’ ở đây được hiểu theo 2 nghĩa. Thứ nhất, bồn là cái chậu, cái thau, cái bình (để đựng thức ăn) nên gọi là Bồn Vu Lan; tuy nhiên, nghĩa này còn nhiều tranh cải. Thứ hai, Bồn là ‘cứu độ’, là phương tiện để cứu vớt cái đang bị treo ngược hay treo lơ lững.
Ý kiến bạn đọc