Slide1 Slide2


Ba loại giới hạnh giải thoát chúng sinh khỏi đau khổ

Đăng lúc: Thứ năm - 23/06/2016 16:54 - Người đăng bài viết: admin
KHI BẠN HOÀN TOÀN tham dự vào thực hành bố thí, tâm bạn càng lúc càng được thôi thúc để thoát khỏi những tư tưởng bất thiện và dấn mình vào các thực hành đức hạnh. Một tâm thức như thế được cho là giống như thanh kiếm của một chiến sĩ.

Ba loại giới hạnh giống như thanh kiếm của một chiến sĩ.
Nó chặt đứt xiềng xích của những cảm xúc tối ám.
Bạn nên có sự hồi tưởng, đúng đắn, tỉnh giác, và suy xét.
Đây là lời khuyên tâm huyết của tôi.

KHI BẠN HOÀN TOÀN tham dự vào thực hành bố thí, tâm bạn càng lúc càng được thôi thúc để thoát khỏi những tư tưởng bất thiện và dấn mình vào các thực hành đức hạnh. Một tâm thức như thế được cho là giống như thanh kiếm của một chiến sĩ. Thanh kiếm trong tay một chiến sĩ phải thật sắc bén và mạnh mẽ. Với nó, người chiến sĩ có thể dễ dàng chiến thắng kẻ thù. Tương tự như thế, thực hành giới hạnh này có thể chặt đứt xiềng xích của những cảm xúc tối ám trói buộc ta vào đau khổ của sinh tử. Trì giới, loại thứ hai trong sáu toàn thiện (sáu ba la mật), có thể chặt đứt cành nhánh của những mê lầm của ta. Với nó, ta sẽ thành tựu sự giải thoát chân thực.

Trong chiến trận, một chiến sĩ luôn cảnh giác, quan sát mọi hướng xem quân địch có tấn công hay không. Nếu địch quân xuất hiện, người ấy sẽ nhanh chóng tự bảo vệ mình để khỏi bị giết hại. Các Bồ Tát có giới hạnh thì giống như các chiến sĩ trong trận chiến sinh tử. Nhưng có một sự tỉnh giác, quyết tâm, kính ngưỡng và chánh niệm như thế không phải là điều dễ dàng. Các kẻ thù của ta—tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn, và ganh tị—thì vô cùng mạnh mẽ. Trong chốc lát, chúng có thể cướp mất sự an bình và hỉ lạc của ta, và hủy hoại cội gốc của mọi đức hạnh. Là những hành giả-chiến sĩ, ta không được để cho bản thân bị những kẻ thù như thế đánh bại. Ta phải cẩn trọng nhìn vào tâm với sự bền bỉ, cho dù mất bao nhiêu thời gian chăng nữa để chiến thắng những kẻ thù ấy. Bằng cách này, cuối cùng thì những kẻ thù của ta sẽ bị tiêu diệt. Khi đó ta sẽ đạt được chiến thắng là Phật quả và hiển lộ vô số hoạt động giác ngộ mà không cần dụng công.

Trong ba loại giới hạnh được đề cập ở đây, giới hạnh thứ nhất là tiết chế những ác hạnh. Như được mô tả ở trên, có mười ác hạnh cần tránh bởi chúng là cội gốc của sinh tử—sáu cõi với những mức độ đau khổ khác nhau. Với động lực Bồ đề tâm, các tăng, ni, Bồ Tát và tantrika (hành giả Mật thừa) nên tự chế mọi ác hạnh. Câu chuyện sau đây về một cặp vợ chồng giữ giới không tà dâm là một ví dụ hay về điều này:

Ngày xưa có hai cặp vợ chồng là bạn rất tốt của nhau. Họ thường nói về những dự định của mình đối với con cái. Họ nói rằng nếu cả hai gia đình có con trai thì chúng cũng sẽ là những người bạn tốt; nếu hai gia đình có con gái thì cũng thế. Họ đồng ý là nếu một gia đình có con gái và gia đình kia có con trai thì chúng sẽ cưới nhau khi đã trưởng thành. Thật ngẫu nhiên, một gia đình sinh con trai và gia đình kia sinh con gái. Những đứa trẻ được nuôi dưỡng với thiện tâm và sự khéo léo, nhờ đó chúng rất lành mạnh về thể xác và tinh thần.

Khi cô con gái đến tuổi trưởng thành, cô nói với cha mẹ là cô muốn xuất gia. Cha mẹ cô nói: “Con không thể làm điều đó. Trước đây, cha mẹ có hứa cho con kết hôn, vì thế không thể có việc con đi theo Giáo pháp.” Nhưng người con gái không nghe cha mẹ và bỏ trốn để gia nhập một giáo đoàn của các sư cô. Ở đó, cô thành công trong việc nghiên cứu và thực hành Pháp và đã đắc quả vị A La Hán, thoát khỏi sinh tử luân hồi.

Trong gia đình kia, người con trai nghe nói cô gái đã bỏ trốn. Cùng với vài người bạn thân, anh đi tới ngôi chùa mà cô gái đang cư trú. Họ tìm thấy cô gái đang thiền định, cạo đầu và đắp Pháp y. Người con trai chạm vào chân cô gái để cô chú ý, nhưng bởi đã đắc quả A La Hán, cô lập tức bay lên không trung và nói: “Cuộc đời sinh tử không có ý nghĩa gì. Nếu anh quay lưng lại nó và thọ giới xuất gia, anh sẽ đạt được giải thoát. Những hoạt động của sinh tử chỉ tạo nên đau khổ. Tôi không muốn làm phần việc đó. Anh cũng nên từ bỏ sự bám luyến vào sinh tử, hãy thọ giới xuất gia, và theo đuổi sự an bình và hạnh phúc đích thực.” Người con trai và các bạn của anh tràn đầy cảm hứng và vô cùng xúc động. Ngay khi nghe những lời này, anh đắc quả Nhập Lưu, và sau đó xuất gia làm một tu sĩ. Sau này, anh thành công trong việc thiền định và cũng đắc quả A La Hán.

Hai vị này có thể thành tựu những điều như thế là nhờ các nguyên nhân từ những đời trước. Thuở xưa, họ là một đôi vợ chồng đã thọ giới không tà dâm từ một Đạo sư. Về sau, họ chân thành thực hành Pháp và giúp đỡ nhau, ước nguyện mỗi người đều thoát khỏi sinh tử. Họ đã hồi hướng những thiện hạnh và thiền định này để thành tựu quả vị A La Hán trong đời sau. Vị Đạo sư đã làm lễ thọ giới cho họ chính là tái sinh của vị Đạo sư đã chứng kiến sự hồi hướng trước đây của họ. Vì thế, khi nguyên nhân đã thuần thục, cả hai thành tựu quả vị A La Hán nhờ nêu gương mẫu tốt lành cho nhau.

Loại giới hạnh thứ hai là nghiên cứu và thực hành Giáo pháp và thâu thập mọi trí tuệ. Điều này được hoàn thành bằng cách dấn mình vào việc thực hành mười thiện hạnh và sáu ba la mật. Đây là nguyên nhân chính yếu của an bình và hạnh phúc trong sinh tử và là một chiếc cầu đưa đến sự thành tựu giác ngộ. Cho đến khi ta đạt được Phật quả viên mãn, ta nên luôn luôn được thúc đẩy để thực hành Pháp, nghiên cứu, và thâu thập hai tích tập công đức và trí tuệ.

Loại giới hạnh thứ ba là làm lợi lạc tất cả chúng sinh. Khi ta hoàn toàn được củng cố trong Pháp và an trú trong phạm vi thuần tịnh của Bồ đề tâm, khi ấy ta có thể hỗ trợ, giúp đỡ, và truyền cảm hứng cho người khác để thoát khỏi sinh tử và đạt được giác ngộ.

Để có sự hồi tưởng, đúng đắn, và tỉnh giác, người tu tập sẽ nhận được lợi lạc khi tuân giữ các nguyên tắc chỉ đạo liên quan tới giới hạnh. Nói chung, ta phải

* nhận lãnh các giới luật đạo đức

* tránh làm mọi ác hạnh

* an trụ ở một môi trường tốt lành

* cảnh giác tránh làm ngay cả những ác hạnh nhỏ bé

* trì giữ hoàn hảo các giới hạnh, là nền tảng của mọi tu tập khác

* canh giữ các giác quan với sự chánh niệm bền bỉ

Hãy tôn trọng giới hạnh của bạn bằng cách luôn luôn giữ tâm bình đẳng, thư thản và giữ tâm quân bình.

Đối với việc ăn uống: Không ăn trong khi bị mê lầm bởi những tư tưởng khái niệm hay sự tham muốn, chẳng hạn như khát khao củng cố sự kiêu ngạo hay sức mạnh, hay khát khao muốn được đẹp đẽ. Đúng hơn, hãy duy trì thân thể bạn với động lực thanh tịnh trong việc ăn uống chỉ để giải trừ căn bệnh đói khát. Hãy ăn để trì giữ giới luật và giải trừ các khiếm khuyết, mê lầm, và sai lạc. Hãy ăn với động lực Bồ đề tâm. Hãy ăn và uống như một cách cúng dường cho Bổn Tôn yidam.

Đối với việc ngủ: Để thành tựu mọi phẩm tính xuất sắc, hãy ngủ với động lực Bồ đề tâm. Để rút ra được toàn bộ thuận lợi của đời người quý báu này—điều kiện tốt nhất để giải thoát bản thân khỏi sinh tử và đạt được giải thoát—hãy thực hành Pháp trước khi đi ngủ và vào sáng sớm. Hãy ngủ với động lực Bồ đề tâm.

Đối với đời sống hàng ngày:

* Thường nhớ đến Pháp với sự hỉ lạc.

* Trì giữ giới luật bằng cách thoát khỏi mọi sa sút.

* Giữ tâm bạn không hối tiếc bằng cách không tạo nên các sa sút.

* Từ bỏ sự tham luyến mạnh mẽ đối với bất kỳ người hay sự việc nào.

* Thoát khỏi sự chán nản ngã lòng bằng cách nhận thức sâu sắc cơ hội bạn có để hiểu rõ và thực hành Bồ đề tâm.

Theo những cách này, ta có thể được sinh ra trong thân tướng con người đời này sang đời khác, có thể tránh không rơi vào ba cõi thấp, có thể vui hưởng Giáo pháp quý báu, và cuối cùng có thể duy trì giới hạnh không phiền não

Có sự suy xét có nghĩa là có ý thức về những gì Đức Phật và chúng sinh nghĩ tưởng. Tất cả chư Phật có sự tỉnh giác trong trẻo, sâu xa, không bị che chướng về hành vi của ta. Mọi sự đều rõ ràng đối với các ngài. Ta nên chánh niệm rằng ta luôn luôn sống trong sự hiện diện của chư Phật. Nếu ta cư xử không đúng đắn, Đức Phật sẽ nhận thức điều đó và thất vọng. Đặc biệt là trong các thành viên của Tăng đoàn, hãy luôn luôn quan tâm đến những người khác và canh giữ giới hạnh của bạn qua lời nói hay hành vi. Hãy nhìn vào tâm bạn một cách cẩn trọng. Việc không trì giữ các giới nguyện sẽ là nguyên nhân khiến ta bị sinh ra trong những cõi thấp. Khi bị rơi vào cảnh ngộ đó, ta sẽ khó tìm thấy cơ hội để nghiên cứu hay thực hành Giáo pháp quý báu, và ta sẽ không có phương tiện để tạo lập đức hạnh hay công đức. Không có những điều này, ta không có cơ may để tạo ra hỉ lạc và hạnh phúc. Việc trì giữ giới hạnh là một món trang sức quý báu và tuyệt đẹp, hãy sử dụng nó để tô điểm cho thân, ngữ và tâm bạn. Đây là con đường dẫn đến giác ngộ.

Trước hết, ta phải kềm chế những tư tưởng và hành động tiêu cực. Điều này khiến cho tâm ta an bình và minh mẫn hơn. Nếu không như vậy, ta sẽ không thể giúp đỡ những người khác. Người đang đắm chìm trong bùn lầy sinh tử không thể giúp đỡ người khác thoát khỏi bãi lầy đó. Trước hết, bản thân ta phải thoát khỏi trạng thái đó. Sau đó, khi ta nỗ lực giúp đỡ người khác, sự trợ giúp đó sẽ hiệu quả hơn. Sau khi điều phục tâm mình, ta có thể nghiên cứu và thực hành nhiều hơn nữa để tạo lập sức mạnh tinh thần. Một khi đã tu tập những thực hành này thật tốt đẹp, ta có thể giúp đỡ chúng sinh dễ dàng hơn nữa cho dù họ là ai.

Trong Madhyamakavatara (Nhập Trung Luận), Chandrakirti so sánh hành giả với một chiến sĩ. Trong một trận chiến, bạn phải bảo vệ bản thân và đánh bại kẻ thù. Bạn có mọi cơ hội để chiến thắng cho tới khi thua trận. Nhưng một khi kẻ thù bắt được bạn, họ có thể đoạt vũ khí của bạn, giam giữ bạn bằng xích hay giây, và ném bạn vào tù. Từ lúc đó, bạn sẽ có rất ít cơ hội đánh thắng kẻ thù. Tương tự như thế, giờ đây bạn đã có một đời người quý báu, đã gặp một Đạo sư kim cương, và đã nhận những giáo lý cao quý, đây là cơ hội phi thường để chiến thắng những kẻ thù phiền não và giải thoát bạn khỏi sinh tử. Nếu bị các mê lầm giam hãm, bạn sẽ bị tái sinh trong các cõi thấp và ít có cơ may thoát khỏi sinh tử.

Những câu chuyện sau đây minh họa các phương cách thiện xảo mà ta có thể làm lợi lạc chúng sinh. Ta phải thực hiện mọi nỗ lực để tu tập những phương pháp bi mẫn này và sau đó sử dụng chúng.

Xưa kia, khi Đức Phật an trú tại Shravasti, Ngài đi bộ với Ananda và chợt thấy một tu sĩ đang lâm bệnh trầm trọng và đau đớn khắp người. Quần áo của tu sĩ này dơ bẩn và hôi thối. Với lòng đại bi, Đức Phật yêu cầu tu sĩ đưa quần áo để Ngài giặt. Khi Đức Phật bắt đầu giặt quần áo, Ananda nói: “Con sẽ giặt chúng.” Đức Phật nói: “Tốt. Ta sẽ đổ nước.” Bằng cách này, Đức Phật và Ananda giặt tất cả quần áo của vị tu sĩ. Đức Phật cũng ban thực phẩm còn lại trong bát của Ngài cho tu sĩ bị bệnh. Chẳng mấy chốc vị tu sĩ hồi phục, ông xúc động khi nghĩ rằng mình đã được chính Đức Phật phục vụ. Ông nghĩ: “Giờ đây ta không thể lười biếng.” Vị tu sĩ củng cố dũng khí và nhiệt tâm, và ngày đêm kiên trì tu tập, nhờ thế ông nhanh chóng đạt được quả vị A La Hán.                

Câu chuyện thứ hai kể về một người đàn bà có đứa con trai duy nhất chết bất ngờ.

Người mẹ của đứa trẻ chết bất ngờ đó không thể chấp nhận được cái chết đột ngột này. Bà lang thang khắp nơi, hy vọng người nào đó sẽ làm con của bà sống lại. Cuối cùng, bà gặp Đức Phật. Bà rên rỉ: “Con không chấp nhận được cái chết của đứa con. Nếu không ai có thể làm nó sống lại, cuộc đời con sẽ vô nghĩa. Con cũng chết thôi.” Bà kêu khóc và khẩn nài Đức Phật làm con bà sống lại. Thấu hiểu nỗi thống khổ của bà, Đức Phật dịu dàng nói: “Ta hoàn toàn hiểu được nỗi khổ của con. Để ta xem có thể làm được gì.”

Ngài nói: “Ta sẽ trông coi tử thi. Con hãy đến từng nhà trong làng này và mang về một nắm hạt giống mù tạc xin được ở nhà nào không có người chết. Nếu con có thể tìm ra những hạt giống như thế, ta có thể cố gắng làm con của con sống lại.” Bà mẹ vui mừng khôn xiết và lên đường, hy vọng là có thể tìm ra những hạt giống cần có. Bà mất trọn cả ngày để đến từng nhà lập lại cùng một câu hỏi, nhưng không tìm ra căn nhà nào không từng có người chết.

Đến cuối ngày thì bà vô cùng thất vọng nhưng cũng bắt đầu có một vài nhận thức sâu sắc. Cuối cùng bà nhận ra rằng con bà không phải là người duy nhất phải chết. Rốt cuộc thì dù già hay trẻ, mọi người đều phải chết. Buồn phiền và mỏi mệt, người đàn bà trở lại gặp Đức Phật và nói: “Con không tìm được hạt giống mù tạc. Con nên làm gì bây giờ?” Với lòng bi mẫn và trí tuệ, Đức Phật giảng cho người mẹ đau khổ bản chất vô thường, bản chất phù du của vạn pháp. “Đây là những gì bản thân con đã trải nghiệm vào ngày hôm nay. Giả sử con của con có sống lại thì một ngày nào đó nó cũng phải chết. Con và ta cũng thế. Một ngày nào đó chúng ta cũng phải chết. Cách duy nhất để thoát khỏi nỗi khổ này là thoát khỏi sinh tử. Cách duy nhất để kinh nghiệm hỉ lạc chân thực là đạt được niết bàn.” Với những lời này, nỗi khổ của bà mẹ được nguôi ngoai. Sau đó, bà đi theo con đường của Đức Phật và cuối cùng đạt được giải thoát.

Đây là cách Đức Phật giải thoát chúng sinh khỏi đau khổ.
 
Trích trong “A Complete Guide to the Buddhist Path” (MỘT HƯỚNG DẪN ĐẦY ĐỦ VỀ CON ĐƯỜNG PHẬT PHÁP) của Khenchen Konchog Gyaltsen
Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Back to top