Slide1 Slide2


Các Đàn Lễ Vào Dịp Tết Nguyên Đán

Đăng lúc: Thứ tư - 21/02/2024 10:34 - Người đăng bài viết: bode
Tết Nguyên Đán là Lễ hội truyền thống lâu đời và lớn nhất của Dân tộc trong một năm. Ngày Tết bắt đầu từ mùng 1 âm lịch, là ngày đầu tiên của năm, nên gọi là Nguyên Đán. Đây là Lễ hội đầu tiên và diễn ra đầu mùa Xuân và là mùa đẹp nhất của năm.
Tết Nguyên Đán là Lễ hội truyền thống lâu đời lớn nhất của Dân tộc trong một năm. Ngày Tết bắt đầu từ sáng sớm mùng 1 âm lịch, là ngày đầu tiên của năm, nên gọi là Nguyên Đán (Nguyên là ngày đầu tiên, Đán là sáng sớm). Đây là Lễ hội đầu tiên và diễn ra đầu mùa Xuân và là mùa đẹp nhất của năm.

Âm lịch là lịch Âm đối với Dương, còn gọi là Nông lịch - là lịch của nhà nông hay lịch Mặt trăng. Thật ra, Âm lịch là lịch Âm-Dương vì thuận theo chu kì hay diễn biến của cả mặt trăng và mặt trời để tính toán thời gian và thời tiết. Tết, vì thế, theo từ nguyên nghĩa là Tiết (thời tiết, lịch tiết, khí tiết). Như một năm có 24 tiết, ứng với thời khắc chuyển giao của tiết khí theo nông nghiệp; hay Bát Tiết gồm: lập Xuân, lập Hạ, lập Thu, lập Đông, Xuân phân, Hạ chí, Thu phân, Đông chí. Trong văn hoá tập quán người Việt có tới 8 cái Tết có lễ cúng bái là: Tết Nguyên Đán, Tết Thượng Nguyên (Nguyên Tiêu -Rằm tháng Giêng), Tết Thanh Minh (20/3), Tết Đoan Ngọ (5/5), Tết Trung Nguyên (Rằm tháng Bảy), Tết Trung Thu (15/8), Tết Hạ Nguyên (Rằm tháng Mười), và Tết Ông Công, Ông Táo 23/Chạp).
Tuy nhiên, khởi đầu của một năm là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới gọi là giao thừa. Lễ đón Giao thừa còn gọi là lễ “Trừ tịch”, nghĩa là “năm cũ qua đi năm mới tiếp đón” hay gọi là “tiễn năm cũ đón năm mới”. 
Chính vì tính chất khởi đầu của một năm nên nó mang ý nghĩa hết sức thiêng liêng. 

1/ Lễ Cúng Giao Thừa:
Giao thừa là thời khắc vô cùng quan trọng của một năm. Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Lễ này còn gọi là Lễ Trừ Tịch. Trừ là giao lại, Tịch là ban đêm. Lễ Trừ Tịch cử hành lúc Giao thừa lúc cũ mới giao tiếp, hết giờ Hợi sang giờ Tý lúc nữa đêm. Đêm 30 đón Giao thừa người ta làm lễ Trừ tịch tiễn vị thần năm cũ, đón vị thần năm mới, giao cũ mới đón mới. Lúc này mọi người ai ai cũng thêm một tuổi, tuổi âm lịch Tí, Sửu, Dần, Mẹo... với một vị Hành khiển (Đương niên chi thần) tương ứng.
Các chùa vì thế thường làm Lễ đón Giao thừa hết sức trang trọng. Lễ này không chỉ là cầu nguyện trên mười phương chư Phật chư Bồ Tát gia hộ mà còn là để thức tỉnh chúng ta cùng hết thảy chúng sanh biết quay về trong tỉnh thức và giác ngộ chân lý của chư Phật.
2/ Lễ Vía Đức Phật Di Lặc:
Mùng 1 Tết chính là ngày Vía Đức Phật Di Lặc. Vía là ngày kỷ niệm Đức Phật đản sanh, thành đạo và nhập Niết Bàn. Đức Di Lặc là Đức Phật tương lai hạ sanh tại thế giới Ta bà này. Ngài sẽ kế thừa Đức Phật Thích Ca để tiếp tục giáo hoá chúng sanh. Phật Di Lặc cũng là hiện thân của lòng từ bi và sự bao dung độ lượng đối với mọi người, mọi loài. Chính vì thế, Ngài là biểu tượng cho lòng từ bi, sự an lạc, vui vẻ, may mắn, phúc lộc và thịnh vượng. Trong lịch sử truyền bá đạo Phật, Đức Di Lặc hiện ra làm những người bình thường, bụng phệ, miệng mỉm cười, trên vai mang bao hoa quả bánh trái. Nên đi đâu Ngài cũng bị trẻ con vây quanh, có khi leo trèo lên bụng lên lưng Ngài vẫn tươi cười, hoan hỉ. Do đó, vào ngày Tết, các chùa thường treo băng rôn thay vì Chúc Mừng Năm Mới thì là Mừng Xuân Di Lặc để tiếp đón một mùa xuân tràn đầy vui tươi, hoan hỷ, yêu thương như Đức Di Lặc.
Vào sáng mùng 1 Tết, trong lễ Vía Đức Di Lặc và cầu an đầu năm, các chùa thường tổ chức tụng kinh Di Lặc để cầu một năm mới bình an, hoan hỉ, cát khánh như trong kinh diễn tả.
Phát Lộc: Phát lộc là một hình thức nhận lộc Phật, mừng tuổi, chúc may mắn, mở hàng, tục lệ có từ lâu đời.
3/ Lễ Cúng Ngọ Đầu Năm: 

Sau lễ Vía và Cầu an đầu năm là lễ cúng Ngọ. Cúng Ngọ là lễ cúng vào giờ Ngọ. Bởi vì, chư Phật, Bồ Tát, Thánh chúng chỉ ăn vào giờ Ngọ, nên lễ cúng Ngọ là cúng Phật, cúng chư Bồ Tát, Thánh chúng. Lễ này chỉ cúng hoa quả, bánh trái và một bát cơm hay xôi chè mà không có đồ ăn. Sau khi cúng Ngọ xong chúng tăng, đại chúng mới dùng bữa trưa. Đây cũng là tục lệ và quy củ của chốn thiền môn.
4/ Đàn Dược Sư Hải Hội: 
Sau 3 ngày Tết, các chùa đều thiết lập Đàn Tràng Dược Sư cầu quốc thái dân an. Mọi người về chùa dâng sớ, tức là đưa gửi danh sách họ tên, tuổi của mình, người thân, gia đình để làm sớ dâng cúng tại đàn tràng trong thời gian diễn ra Pháp Hội Dược Sư. Đức Phật Dược Sư với bản nguyện độ sanh, cứu giúp chúng sanh bằng công hạnh của Ngài. Đức Phật Dược Sư theo ngữ nghĩa là vị Thầy thuốc chữa lành bệnh tật cho chúng sanh, nhất là đem đến sức khoẻ, bình an cho những ai cầu sự gia hộ của Ngài. Ngài còn có danh hiệu là Đại Y Vương hay Vô Thượng Y Vương, là Thầy trong các bậc Thầy, bậc Thầy trong các bậc Danh y.
Đàn Tràng Dược Sư là đàn tinh khiết, thanh tịnh, như dòng nước mát ban rải, rưới khắp mọi nơi. Những ai thọ nhận được dòng nước thanh tịnh đó thì tâm hồn thư thới, nhẹ nhành, an vui. Tật bệnh do đó cũng được tiêu trừ. Phật Dược Sư có khả năng chữa lành tất cả bệnh tật. Và Ngài có bảy vị Bồ-tát thượng thủ hỗ trợ là Nhật Quang và Nguyệt Quang Biến Chiếu dẫn đầu các vị Bồ-tát như Dược Vương, Dược Thượng, Cứu Thoát, Bảo Đàn Hoa và Di Lặc nên hiệu quả của Ngài là rất cao.
Mỗi năm, khi mùa xuân về, ai ai cũng nao nức đón mừng năm mới với một niềm khao khát sẽ được bình an và phát đạt trong năm mới. Do đó, đầu năm, mọi người đều về chùa-chốn linh thiêng để cầu phúc lộc, bình an, may mắn, cứng cáp và vững vàng hơn trong năm mới để tiếp tục gặt hái được những thành quả trong công việc và học tập, gia đình được đầm ấm, an vui, hạnh phúc. Do đó, nói không ngoa rằng, chuẩn bị cả năm chỉ để dành cho ba ngày Tết!
TVN.

Chùa Bồ Đề đang trong quá trình xây dựng
 
 


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Back to top