Thông thường một người bình thường, thậm chí một người siêu xuất cũng khó có thể để lại một di sản lớn lao như thế; trong khi đó toàn bộ di sản đó đều rất thiết thực bổ ích và đều là những giải pháp thiết thực cho nhân loại trong mọi lĩnh vực. Nói thế có lẽ cũng không quá nếu chúng ta có thể hiểu rõ giáo pháp đó.
Để hiểu vì sao Đức Phật lại giảng dạy nhiều đến như vậy, chúng ta hãy tìm hiểu xem và để biết giáo pháp nhiều như vậy thì làm sao chúng ta có thể nắm hiểu được?
Đọc trong Kinh tạng chúng ta thấy rằng Đức Phật chỉ ngủ nghỉ có 1 tiếng đồng hồ một đêm. Nhưng thường là trong tư thế thiền định. Điều này có vẻ khó tin. Nhưng nếu chúng ta nhìn thấy trong thực tế thì chúng ta có thể tin được. Ví dụ, nếu ai có dịp qua Ấn Độ, đến thánh địa Bồ Đề Đạo Tràng là nơi Đức Phật thành đạo, chúng ta sẽ nhìn thấy hằng đêm có nhiều người ngồi thiền suốt đêm tại Đại Bảo tháp giác ngộ này. Họ ngồi thiền và ngủ nghỉ luôn, nhưng không phải nằm xuống ngủ. Mà nằm cũng không được vì cái mùng chỉ vừa đủ để ngồi thiền chứ nằm không được. Nằm sẽ rách mùng hoặc muỗi sẽ chích, vì muỗi rất nhiều.
Trong Luật có nói rằng ngài Hiếp Tôn Giả (vị Tổ Thiền Tông thứ 10 ở Ấn Độ) suốt đời chưa từng nằm xuống ngủ nghỉ. Cao Phong Diệu thiền sư (đời Đường bên Trung Quốc) chỉ mới hai mươi tuổi nhưng phát nguyện 3 năm lưng không dính chiếu. Ngài chỉ ngồi thiền và ngủ nghỉ trong tư thế đó.
Đức Phật một ngày tiếp xúc với rất nhiều đối tượng. Có thể là vua, quan, đại thần, dân chúng, ngoại đạo, thí chủ, hàng đệ tử và thậm chí rất nhiều người chống đối, thù địch Ngài. Ban đêm, trong đại định Đức Phật có thể gặp gỡ hàng chư thiên, chư Bồ tát, thánh chúng, v.v… Ngài phải giảng dạy để đáp ứng sở nguyện tu học và để giải trừ những chướng ngại cho họ.
Giáo Pháp của Phật để lại cả Tam Tạng giáo điển. Sau này chư Tổ sư luận bàn, giải thích thêm nên số lượng là vô số ở cả hai trường phái lớn là Đại thừa và Nguyên thủy, Bộ phái. Thật ra, giáo pháp của Phật không chỉ là các kinh điển Nikaya và A-hàm; mà giáo pháp ấy bao hàm rất nhiều kinh điển thuộc hệ thống Đại thừa, vì đây chính là tinh hoa và sự phát triển cao tột theo thời gian của Phật giáo.
Bởi vậy, Đức Phật để lại cả kho tàng Tam Tạng kinh điển, số lượng rất lớn. Tuy nhiên, trong kinh Tương Ưng Bộ, Đức Phật lại nói “Trong chừng ấy năm thuyết giáo, Ta (Như lai -Phật) chỉ nói lên sự Khổ và sự Diệt khổ.” Hay thậm chí như khi Ngài tuyên bố trong chừng ấy năm thuyết giáo “Ta không nói lời nào,” –“Như Lai không nói lời nào”. Rồi kinh Kim Cang nói: “Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp”, tức là “Phật Pháp còn phải bỏ huống là phi Phật Pháp”. Tuy nhiên, các kinh khẳng định: “Những lời dạy của Như Lai đều chắc thật, không sai lạc, nên dù mặt trăng có nóng lên, mặt trời có rơi xuống thì những lời nói chắc thật của Như Lai vẫn y như vậy.” Điều đó nói lên rằng, những gì Đức Phật đã nói ra đều là chân lý sự thật không sai chạy được.
Vậy làm thế nào để có thể lãnh hội được Phật Pháp với nội dung lớn lao và ý chỉ khác biệt như thế?
Tuy Phật dạy nhiều nhưng tựu trung chỉ có: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo”- (Không làm các việc ác, hãy vâng làm việc lành, giữ tâm ý trong sạch, đó là lời Phật dạy) (Kinh Pháp Cú 183).
- “Không làm việc ác” là để dừng ác nghiệp, không tạo thêm ác nghiệp
- “Vâng làm các việc lành” là để tạo phước, tạo công đức
- “Thanh lọc tâm ý” là tu tâm, dưỡng tánh để có công đức mà được giải thoát, chứ không thì “Bất dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên đắc sanh bỉ quốc.” (Không thể có chút ít phước đức nhân duyên mà sanh về cõi Phật).
Hầu như nội dung các kinh đều dạy đều dạy như thế.
Thoạt nghe, chúng ta liền nghĩ: sao Đức Phật dạy đơn giản vậy mà nghe trong kinh điển, bài giảng, sách vở nói toàn những vấn đề cao siêu, huyền bí và mênh mông như thế?
Thiệt sự, người đời nay mới học Phật Pháp liền nghĩ ngay đến những vấn đề cao siêu huyền bí như Lục độ Vạn hạnh, 6 Ba-la-mật, Tứ thiền, Bát định, Thật tướng, Chơn như, Bồ đề, Niết bàn, Lý Bát-nhã…
Thật ra, trên thực tế, tìm cầu những thứ đó chỉ là vọng tưởng, là tham cầu đi ngược với căn bản Phật Pháp.
Một nhà thơ nổi tiếng đời Đường tên là Bạch Cư Dị một hôm đến hỏi 1 thiền sư về đại ý Phật Pháp. Vị Thiền sư trả lời là “Chư ác mạc tác…” Ông liền cười khẩy mà nói: “Sao mà đơn giản như vậy thì con nít lên 8 cũng làm được”. Thiền sư trả lời: “Ông nói con nít 8 tuổi làm được nhưng ông già sống tới 80 tuổi chưa chắc đã làm nổi.” Ngay ấy ông giật mình và xin thọ giáo với Thiền sư.
Hay như câu chuyện “Thế nào là đại ý Phật Pháp” qua chuyện Tổ Lâm tế học đạo như sau: Tại đồ chúng của ngài Hoàng Bá, Tổ Lâm tế là người xuất sắc nhất, tu hành cẩn mật, tinh tấn, thâm hiểu Phật Pháp nhưng lại ít nói nên trong chúng ai cũng kính nể. Trải qua thời gian dài một hôm vị Thủ tọa (Quản chúng) nói với Tổ, Huynh học hành giỏi giang mà lại khiêm tốn ít nói, sao không đến gặp tổ Hoàng Bá mà hỏi gì cả? Tổ nói, “tôi biết hỏi gì đây?” Thầy Quản chúng liền khuyên hỏi “thế nào là đại ý Phật Pháp”. Cả 3 lần hỏi 3 lần bị đánh nên Tổ quyết định cuốn gói ra đi. Thầy Quản chúng khuyên “nên thưa trước khi đi”. Thầy Quản chúng cũng thưa với ngài Hoàng bá rằng: “Nghĩa Huyền đạo đức thâm hậu, lại thâm hiểu Phật Pháp, xin Hòa thượng từ bi chỉ cho chớ để uổng một bậc pháp khí.” Khi lên từ biệt, Tổ thưa: “con không có duyên ở đây, con xin đi nơi khác.” –“Vậy ông định đi đâu?” –“Con không biết sẽ đi đâu” –“Ông nên qua chỗ thiền sư Đại ngu, Đại ngu sẽ chỉ cho”. Đến nơi, Đại Ngu hỏi: “Ông từ đâu đến?” –“Từ chỗ ngài Hoàng bá –“Ngài Hoàng bá dạy ông những gì?” –“Thưa, Hoàng Bá không dạy gì cả. Cả 3 lần hỏi thế nào là đại ý Phật Pháp, cả 3 lần đều bị đánh, không biết có lỗi hay không lỗi” –“Ngài Hoàng Bá thật là đại từ bi, đã chỉ cho ông chỗ tột cùng rồi, ông còn nói lỗi không lỗi.” Ngài Lâm tế hoát nhiên đại ngộ mới nói: “Phật Pháp của Hoàng Bá rất ít” –“Người thấy gì mà nói rất ít”, liền thoi vô hông ngài Đại Ngu một cái –“Thầy của ông là Hoàng bá, chẳng liên can gì đến ta. Hãy về bên đó đi.”
Thói quen của người đời nay là khi học Phật mong muốn phải chứng đắc cái gì đó cao siêu mới tu, còn thực hành những điều tầm thường thì cho là không xứng. Cho nên sơ tổ Thiền Trúc Lâm chỉ nói đơn giản rằng, “Tu là đói ăn khát uống mệt ngủ”:
“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên/cơ tắc xan hề khốn tắc miên/gia trung hữu bảo hưu tầm mích/đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền… (Ở đời vui đạo hãy tùy duyên/hễ đói thì ăn mệt ngủ liền/trong nhà sẵn ngọc thôi tìm kiếm/đối cảnh vô tâm hỏi chi thiền)
Bởi vì, khi họ đói nhưng không chịu ăn, mà đòi phải ăn ngon, ăn sang, ăn quý, ăn dư thừa phung phí; mặc thì phải mặc cho sang, cho đẹp, phải là hàng hiệu, hàng ngoại, hàng nổi tiếng. Còn lúc buồn chán muốn học Phật Pháp thì muốn làm Phật chứ Bồ tát cũng không cần. Những người đó không chỉ có tham mà còn sân, si, mạn, nghi, ác kiến, biên kiến, tà kiến… như thể họ muốn đoạn tận khổ đau ngay tức khắc. Cho nên, một số Kinh Luận Tịnh độ Phật giáo nói rằng “Chư ác mạc tác…” là chánh hạnh, còn niệm Phật ngồi thiền là trợ hạnh.
Phân tích thêm:
“Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý” là tu Tam nghiệp (thân-khẩu-ý):
- Theo 10 thiện nghiệp đạo, thì: Thân 3 (sát sanh, trộm cắp, tà dâm); khẩu 4 (nói dối, thêu dệt, hai lưỡi, hung ác); Ý 3 (tham, sân, tà kiến-cố chấp).
- Theo 37 Phẩm trợ đạo, trong đó Tứ chánh cần là:
Tinh tấn đoạn trừ ác pháp đã sanh/ngăn ngừa ác pháp chưa sanh; Tăng trưởng thiện pháp đã sanh/phát triển thiện pháp chưa sanh.
Bát chánh đạo là: Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng.
“Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” là:
Việc ác là gì? Đó là:
-hại mình, hại người, hại cả hai.
-Như thế nào là hại mình, hại người, hại cả hai?
Trong kinh Vương tử vô úy đề cập 6 điều như sau:
1. Không thật, sai lầm, vô ích, và khó chịu đối với người khác.
2. Thật, hiện hữu, nhưng vô ích, và khó chịu đối với người khác.
3. Thật, hiện hữu, lợi ích, nhưng khó chịu đối với người khác.
4. Không thật, không hiện hữu, vô ích, nhưng dễ chịu đối với người khác.
5. Thật, hiện hữu, nhưng vô ích, và dễ chịu đối với người khác.
6. Thật, hiện hữu, lợi ích, và dễ chịu và ưa thích đối với người khác.
Trong đó, Đức Phật chỉ nói lên điều 3 và 6 mà thôi. Vì sao phải nói lời khó chịu và không ưa thích? Vì như kinh nói là giống như móc một cái xương bị mắc trong cổ của đứa bé. Phê bình, chỉ trích, thậm chí trị phạt là cần thiết nhưng phải được sử dụng phù hợp.
Việc thiện là gì? –là ngược lại với bất thiện.
-cần phân biệt giữa lợi mình, lợi người, lợi cả hai.
-3 cấp độ của việc thiện: Lợi mình,
-có câu: “Không làm được việc gì tốt thì cũng đừng hại ai; hay “Không nói được điều gì hay thì tốt hơn nên im lặng…
“Tự tịnh kỳ ý”: Tâm là ý, nói đủ là Tâm-Ý-Thức
Bản Tâm là gì?
-Tâm là dị thục, là năng tàng, sở tàng, ngã ái chấp tàng, là nhất thiết chủng.
-Ý là Tư lương, ôm ghì, dính chặt, mắc vào.
-Thức là Liễu biệt cảnh, tức là nhận thức về cảnh vật.
Tâm vương - Tâm sở:
-Luật dạy: “Viễn hành yếu dã lương bằng, sát sát thanh ư nhĩ mục”.
Tâm lăng xăng đó nhưng khi nhìn lại thì nó lặng yên không dấu vết, cho nên tu là:
-“Phản quang tự kỷ bổn phận sự bất tùng tha đắc”, là phản quang tự kỷ, hồi quang phản chiếu.
-“Đem tâm cho ta an cho”
-Tâm an và tâm bất an (khi bất an không còn thì an lạc), như tâm hận thù và tâm từ bi (khi từ bi xuất hiện thì hận thù biến mất), như ánh sáng và bóng tối vậy (khi ánh sáng đến bóng tối biến mất)
-Tâm cũng giống như: “Quay lại tìm tâm tâm chẳng thấy”, là Tâm không dấu vết, không chỗ truy tìm. Tìm tâm quên vọng, ngay nơi đó tâm đã an. Nhưng an như vậy là an tạm thời. Rồi thì phiền não lăng xăng nổi lên tiếp tục phiền muộn nên tâm vẫn bất an.
Vậy thì bản tâm thì thanh tịnh vắng lặng, là an lạc, nhưng vì do vọng tưởng, phiền não lăng xăng làm cho điên đảo nên mới có cái tâm bất an. Tâm bất an đó là vọng tâm chứ không phải chân tâm. Chân tâm là tâm chân thật, an ổn.
Ngày nay đa phần chúng ta về chùa gặp thầy rất ít khi hỏi đạo mà thường là hỏi những thứ mà chúng ta thường không tìm thấy trong kinh điển hay lời Phật dạy và cũng không hỏi cái gì về tâm mà chỉ là hỏi cảnh, hỏi sự tình, hỏi sự tướng, nên vọng tưởng, khổ đau dài dài!
TVN.
Tác giả bài viết: VINADES
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn